tôn thép tuyên chiến với hàng giả

Nhức nhối với hàng giả, trong khi sự vào cuộc của các cơ quan chức năng chưa thật sự hiệu quả, các doanh nghiệp trong ngành tôn thép phải tự đứng lên tuyên chiến với vấn nạn này.

Hàng giả chiếm 20% thị phần

Sản xuất tôn mạ và phủ màu là phân khúc quan trọng trong ngành thép. Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), hiện có 15 công ty lớn và nhiều cơ sở nhỏ sản xuất tôn thép mạ và phủ màu chủ yếu tập trung ở phía Nam, với tổng năng lực sản xuất lên tới 4 triệu tấn/năm.

Sản lượng tôn thép mạ và phủ màu Việt Nam trong những năm gần đây tăng trưởng không ngừng, từ 1.196.000 tấn (năm 2010), lên 2.205.000 tấn (năm 2013) và 2.359.000 tấn trong 10 tháng đầu năm 2014. Trong 10 tháng đầu năm, theo tính toán, phải xuất khẩu khoảng 664.000 tấn thì mới tiêu thụ hết số hàng sản xuất trong nước.

Trong khi đó, 9 tháng đầu năm nay, các công ty thương mại đã nhập khẩu khoảng 500.000 tấn tôn các loại, chủ yếu từ Trung Quốc về tiêu thụ. Điều đáng nói hơn, phần lớn sản lượng tôn nhập từ Trung Quốc lại được gắn mác thương hiệu của doanh nghiệp trong nước, như tôn Việt Nhật, tôn Việt Hàn, tôn Hoa Sen, tôn Tân Vạn Phúc, tôn Thăng Long… Theo thống kê của VSA, hàng giả hiện chiếm 20% thị phần tôn thép.

Hiện tượng tôn giả chủ yếu xuất hiện ở các tỉnh Thanh Hóa, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên và Hà Nội. Hiện tượng này diễn ra trong thời gian dài, gây thiệt hại lớn đến cả nền kinh tế, doanh nghiệp trong ngành và người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch VSA, thương nhân thường lợi dụng điểm yếu trong khâu quản lý, khoảng cách địa lý khó kiểm soát của doanh nghiệp thép lớn để biến thái nhiều hình thức như in lại mác, bán hàng không đúng quy cách chất lượng…

Theo tính toán của Tập đoàn Hoa Sen, người tiêu dùng đang bị móc túi một cách trắng trợn. Cụ thể, với mỗi mét tôn giả, người tiêu dùng sẽ bị thiệt hại 4.000 - 6.000 đồng. Giả sử với 20% thị phần tôn trên thị trường là hàng giả, thì hàng giả chiếm 346.000 tấn (tổng sản lượng của ngành tôn năm 2014 ước tính 1,73 triệu tấn), tương đương 98.856.000 m tôn và người tiêu dùng bị móc túi tổng cộng khoảng 400 tỷ đồng/năm.

Hiện nhãn hiệu tôn Hoa Sen của Tập đoàn Hoa Sen đang bị làm giả nhiều nhất trên thị trường. Năm 2014, tập đoàn này thiệt hại khoảng 118 tỷ đồng.

Trong khi đó, ông Trịnh Đình Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty Tôn mạ Vnsteel Thăng Long cho hay, Công ty mất nhiều thời gian công sức tiền bạc để sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, nhưng khi sản phẩm Tôn Thăng Long và Tôn Việt Ý được chấp nhận cũng là lúc bắt đầu xuất hiện hàng giả trên thị trường, với số lượng và tần suất ngày càng tăng, gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng và thiệt hại cho công ty.

Cần liên minh chống hàng giả

Tại hội thảo về vấn nạn gian lận trên thị trường tôn thép Việt Nam được tổ chức mới đây tại Hà Nội, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tôn Hoa Sen cho biết: “Tôn Hoa Sen tồn tại được đến ngày hôm nay là nhờ sản phẩm được xuất khẩu vào những thị trường khó tính, có hệ thống phân phối mạnh, xây dựng thương hiệu tốt. Nếu chỉ nhờ thị trường trong nước với tình trạng ma trận tôn giả bao năm nay thì sẽ khó có được vị thế mong muốn”.

Song không phải doanh nghiệp nào cũng làm mạnh tay và đủ tiềm lực để làm được như Tôn Hoa Sen.

Ông Trịnh Đình Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty Tôn mạ Vnsteel Thăng Long thừa nhận, dù Công ty đã tìm nhiều cách để đối phó với vấn nạn hàng giả, như tư vấn, cảnh báo người tiêu dùng phân biệt sản phẩm thật - giả, xây dựng hệ thống phân phối vững mạnh, cải thiện tiêu chuẩn kỹ thuật trong in ấn…, nhưng những cố gắng đó chỉ có thể kiềm chế phần nào vấn nạn hàng giả.

Do đó, dù doanh nghiệp có tự thân tuyên chiến với hàng giả như thế nào đi chăng nữa, thì cũng cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Theo ông Hùng, các cơ quan chức năng cần triển khai hàng rào kỹ thuật để hàng kém chất lượng không ồ ạt tràn vào thị trường trong nước. Nếu phát hiện được tiêu thụ trong nước thì cần có chế tài mạnh.

Thế nhưng, các cơ quan chức năng phát hiện rất ít hàng giả trên thị trường. Theo ông Trần Việt Hưng, Phó đội trưởng Đội 4, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), từ đầu năm đến nay, hải quan đã bắt giữ 64.500 tấn tôn thép các loại, nhưng những vi phạm này chủ yếu liên quan đến khai báo sai về tên hàng, mã số để gian lận thuế, trốn thuế.

Ông Trần Việt Hưng cho biết, thuế suất giữa các mặt hàng tôn chênh lệch khá lớn. Ví dụ, mặt hàng tôn theo mã 72104991 có thuế suất là 20%, nhưng những loại tôn khác có thuế suất 10%, 5% và 0%. Do việc áp mã để tính thuế phức tạp, nên doanh nghiệp dễ gian lận để trục lợi.

“Có nhiều giải pháp, nhưng theo tôi, quan trọng nhất là cần đưa mặt hàng tôn thép vào danh mục hàng hóa trọng điểm phải kiểm soát về giá và chất lượng”, ông Việt Hưng đề xuất.

Ông Nguyễn Trọng Tín, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho rằng, chính sự quan tâm hời hợt và sự phối hợp không chặt chẽ giữa công an, hải quan, quản lý thị trường, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp đang khiến vấn nạn này ngày càng nhức nhối.

Nguồn tin: Baodautu